Kim tự tháp chuyển đổi số - một khái niệm thú vị về công nghệ

Blog 942

1. Mô hình kim tự tháp chuyển đổi số

Kim tự tháp chuyển đổi số là một khái niệm thú vị, nó mô tả cách các phần tử nhỏ hơn có thể tác động mạnh mẽ thế nào đến những yếu tố cốt lõi trong mô hình kinh doanh. Từ đó, giúp chúng ta nhận định chính xác điều gì cần phát huy hoặc cần loại bỏ để mô hình này được tối ưu một cách hoàn hảo cho phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp.

Khái niệm về kim tự tháp chuyển đổi số là một ý tưởng khá mới mẻ, vậy nên chưa có sự thống nhất tuyệt đối giữa các chuyên gia trong việc xây dựng mô hình này. Nhưng nhìn chung, chúng đều tuân thủ theo một trật tự từ trên xuống dưới, từ các yếu tố bao quát đến các thành phần nhỏ hơn và mỗi thành phần đều thực hiện những chức năng riêng biệt.

Dưới đây là một mô hình của kim tự tháp chuyển đổi số phổ biến.

Mô hình kim tự tháp chuyển đổi số

(Mô hình kim tự tháp chuyển đổi số)

Theo mô hình trên, chúng ta sẽ có 5 khối chính, lần lượt chia thành 3 lớp khác nhau, bao gồm:

  • Lớp Chiến lược: toàn bộ mô hình và mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp
  • Lớp Triển khai: các hình thức hoạt động, phương thức vận hành và kế hoạch kinh doanh cụ thể.
  • Lớp Công nghệ: những công nghệ trợ giúp cho doanh nghiệp hoạt động và tối ưu hóa quy trình của mình.

Với mô tả này, ta thấy các khái niệm sẽ dần cụ thể hơn khi tiến về phần đáy của kim tự tháp. Bởi vì phần đáy giải quyết những nhiệm vụ do các lớp bên trên đề ra. Vì vậy lớp Công nghệ càng mạnh, độ vững chắc của kim tự tháp càng được củng cố. Số lượng phần tử của lớp này càng lớn, đáy của kim tự tháp sẽ được mở rộng và “chống đỡ” tốt hơn cho những khái niệm bên trên.

Tuy nhiên, Công nghệ không hoàn toàn là yếu tốt cốt lõi giúp mô hình này tồn tại.
 Vậy Công nghệ có giữ vai trò quan trọng không? – Dĩ nhiên là có!
 Nhưng nó có đóng vai trò then chốt không? – Không hẳn là vậy!

Để hiểu rõ vì sao lại có nhận định này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về mô hình kim tự tháp chuyển đổi số nhé.

 

2. Các lớp trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số

2.1 Lớp Chiến lược

Là lớp trên cùng của kim tự tháp, lớp Chiến lược xác định mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì chúng ta đang đề cập đến môi trường kỹ thuật số, nên doanh nghiệp phải có một Chiến lược kinh doanh đánh giá tốt các cơ hội và nguy cơ tiềm ẩn của thị trường này, bao gồm:

  • Nhu cầu và độ lớn của thị trường hoặc thị trường ngách.
  • Phân phối sản phẩm gì và phân phối cho ai.
  • Cần những ai để có thể tạo ra và phân phối sản phẩm này.
  • Các chiến lược liên quan khác (mở rộng mô hình, tạo doanh thu lớn hơn,…).

Lớp Chiến lược định hình những mục tiêu quan trọng nhất mà một doanh nghiệp cần theo đuổi. Tuy nhiên, hạn chế là những mục tiêu được đề cập chưa có sự cụ thể cao. Nó đơn giản chỉ trả lời cho câu hỏi “What” - tức là những gì cần thực hiện để đi đến cái đích mà chúng ta mong muốn. Còn vấn đề làm như thế nào – “How” vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Nên để trả lời cho câu hỏi “How” chúng ta cần lớp Triển khai.

Câu hỏi cho cái gì

(Lớp Chiến lược đại diện cho "What" – mục tiêu của doanh nghiệp là gì)

 

2.2 Lớp Triển khai

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu của lớp Chiến lược, các thành phần ở lớp Triển khai được chia làm 3 yếu tố chính, chúng giải quyết những quy trình làm việc cụ thể của doanh nghiệp, bao gồm: 

  • Hoạt động sản xuất: là những kế hoạch cụ thể cho sản xuất, cung ứng hay phân phối được áp dụng để tạo nên bức tranh tổng quan về cách mà sản phẩm sẽ được tạo ra và đến tay người tiêu dùng.
  • Phương thức vận hành: là cách tổ chức bộ máy nhân sự, thiết lập quy trình và xác định công cụ hỗ trợ cho công việc nhằm đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sản xuất bên trên.
  • Chiến lược kinh doanh: xoay quanh việc bán hàng và marketing, tập trung vào mối quan hệ giữa sản phẩm và khách hàng nhằm tạo ra doanh thu và chiếm lĩnh thị trường. Có khá nhiều công ty tập trung hầu hết nguồn lực của mình vào công đoạn này.

3 khối trong lớp Triển khai đã giải quyết vấn đề “How” được đặt ra ở lớp Chiến lược, chính là:

  • Làm sao để tạo ra sản phẩm – khối Sản xuất.
  • Làm sao để quản lý sản phẩm – khối Vận hành.
  • Làm sao để bán sản phẩm – khối Kinh doanh.

Giải quyết vấn đề như thế nào

(Lớp Triển khai đã trả lời cho những câu hỏi mà lớp Chiến lược đưa ra)

Như chúng ta thấy, việc giải quyết 2 câu hỏi “What – làm gì” và “How – làm như thế nào” đã cơ bản xác định được mô hình hoạt động của một doanh nghiệp. Mà trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần sở hữu 2 yếu tố này là có thể vận hành tốt việc kinh doanh của mình.

Vậy nếu doanh nghiệp đã hoạt động tốt, tại sao lại cần đến mô hình kim tự tháp chuyển đổi số này? Tại sao lớp Công nghệ xuất hiện, nó có tác động gì đến các yếu tố bên trên?

Đây chính là lúc mọi thứ trở nên thú vị. Vì mức độ cụ thể của tầng thứ 3 lớn hơn rất nhiều so với 2 tầng bên trên, nên tác động của nó cũng có chiều sâu rõ rệt nhất. Chiều sâu đó là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay nhé.

 

2.3 Lớp Công nghệ

Lớp Công nghệ được hình thành từ tập hợp những giải pháp công nghệ hiện đại mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đó có thể là những thiết bị mới, công cụ phần mềm, hoặc các nền tảng trực tuyến, v.v. nhưng nhìn chung sẽ nằm trong những nhóm:

  • Nhóm hỗ trợ trực tiếp: các loại robot, thiết bị thông minh, thiết bị IoT, xe tự hành.
  • Nhóm thu thập thông tin: ERP, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
  • Nhóm nền tảng: Cloud, IoT, công nghệ 5G.
  • Nhóm quảng bá: mạng xã hội, kênh truyền thông.

Công nghệ thay đổi tương lai

(lớp Công nghệ là mấu chốt cho sự thay đổi)

Như vừa rồi chúng ta đặt ra vấn đề: tại sao một doanh nghiệp đã hoạt động tốt lại cần sự có mặt của Công nghệ?

Trả lời cho câu hỏi này sẽ là: “không cần thiết” nếu như mọi thứ vẫn còn dừng lại ở thời kỳ những năm 90, 2000,… khi mà thế giới còn chưa biết đến công nghiệp 4.0 hay “thế giới phẳng” là gì.

Nhưng hiện tại mọi thứ đã thay đổi, thế giới luôn luôn tịnh tiến, cái tốt của ngày hôm qua chưa hẳn đã là cái tốt của ngày hôm nay. Bạn có đang sử dụng một chiếc máy tính từ 10 năm trước không? Hay bạn có đang dùng cùng một chiếc điện thoại trong vòng 5 năm qua? Vì sao?

Vì nhu cầu của chúng ta đã lớn hơn trước rất nhiều, có thể là do công việc, học tập hoặc bất cứ lý do gì khác. Nhưng tựu chung lại, mọi người đã dần quen với những thay đổi liên tục và thích ứng với nó. Vì đơn giản: chúng ta là người được hưởng lợi nhiều nhất từ điều này.

Câu chuyện cũng tương tự với ngành công nghiệp mà chúng ta nhắc đến. Với sự xuất hiện của thời kỳ mới, nhu cầu sản xuất và sử dụng sản phẩm đang được mở rộng không ngừng, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải đáp ứng liên tục để thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng.

Và theo quy luật cung – cầu, nguồn cung để giải quyết tình trạng trên không gì khác ngoài sự phát triển của Công nghệ. Công nghệ chính là đại diện cho ý tưởng “Why” – tại sao chúng ta cần tối ưu mô hình của mình để phù hợp với thị trường.

Câu hỏi tại sao

(Tối ưu để doanh nghiệp có thể tồn tại?)

Để hiểu được tại sao cần phải tối ưu, chúng ta phải có thông tin về cách thị trường hoạt động, thông tin về nhu cầu khách hàng, về khả năng nội tại của doanh nghiệp, chi phí đầu tư, v.v. Những thông tin này nếu thực hiện thủ công thì phải mất rất nhiều công sức và thời gian.

Lớp Công nghệ sở hữu những công cụ có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ này như ERP, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (nhóm thu thập) hay tín hiệu từ những trang mạng xã hội, kênh truyền thông (nhóm quảng bá). Từ đó tổng hợp, phân tích và đưa ra những con số hoặc những công cụ khác tối ưu hơn (nhóm hỗ trợ trực tiếp, nhóm nền tảng) để giải quyết công việc của các lớp bên trên.

Nhằm đạt được điều lý tưởng đó, đòi hỏi lớp Công nghệ phải len lỏi sâu vào từng yếu tố của lớp Triển khai, thậm chí là lớp Chiến lược để “đào bới” những thông tin cần thiết.

Sự tác động lẫn nhau trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số

(Sự tác động lẫn nhau giữa các lớp trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số)

Đây là điều thú vị nhất của lớp Công nghệ. Nó có sức mạnh để tạo ra một tác động sâu rộng nhất trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số, điều mà những yếu tố khác không làm được. Đôi khi, những tác động đó ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình của doanh nghiệp, khiến mục tiêu của doanh nghiệp xoay chuyển, thay đổi để phù hợp với thị trường và người tiêu dùng.

Và điều này thực tế đã diễn ra, không chỉ các doanh nghiệp nhỏ lẻ hay mới bước đầu ứng dụng công nghệ trong mô hình kinh doanh của mình gặp phải. Những cái tên lớn trên thế giới cũng phải trải qua một quá trình khó khăn khiến doanh nghiệp đó thay đổi mô hình của mình mãi mãi. Hãy xem thêm bài viết này (mục số 3) để biết sự tác động đó lớn như thế nào: https://chips.vn/blog/the-nao-la-chuyen-doi-so-thanh-cong

 

3. Bản chất thật sự của Công nghệ trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số

Phân tích của chúng ta đã chỉ ra rằng, lớp Công nghệ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số. Nó ảnh hưởng đến mọi yếu tố khác trong mô hình này, thậm chí thay đổi bản chất của cả một doanh nghiệp.

Vậy có đúng không khi nói Công nghệ mới là nền móng của kim tự tháp chứ không phải là Mô hình của doanh nghiệp? Và rằng nếu Công nghệ sụp đổ thì toàn bộ mô hình bên trên sẽ biến mất?

Có lẽ, chỉ là có lẽ thôi… Với những tác động của công nghệ hiện tại thì việc mất đi nó sẽ gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho doanh nghiệp.

Nhưng có lẽ chúng ta đã bị cuốn vào dòng suy nghĩ này mà quên mất… Công nghệ không phải chỉ là 1 thứ, 1 vật thể hay 1 quy trình duy nhất. Chúng là tập hợp những giải pháp công nghệ hiện đại mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Các phần tử càng về phần đáy của kim tự tháp thì càng dễ bị thay thế, công nghệ cũng vậy. Với sự phát triển không ngừng, càng ngày sẽ càng có nhiều giải pháp xuất hiện và thay thế lẫn nhau, quan trọng là chúng ta chọn được những gì phù hợp nhất với mô hình của mình.

Và nó dẫn đến câu hỏi cuối cùng.

Nếu xem doanh nghiệp của chúng ta là một cái cây, với phần gốc chính là Mô hình doanh nghiệp. Chúng ta hy vọng cái cây này sẽ sinh trưởng tươi tốt, và một ngày nào đó sẽ cho những quả ngọt. Quả ngọt này cần rất nhiều chất dinh dưỡng từ đất mẹ, vì vậy nó muốn một thứ gì đó có thể cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để nó có thể lớn lên.

Thứ đó là gì?

Thứ đó chính là bộ rễ của cái cây. Bộ rễ này trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số không gì khác chính là Công nghệ.

Rễ cây của một doanh nghiệp chính là công nghệ

(Công nghệ chính là một loại "rễ cây" của doanh nghiệp)

Bộ rễ này lớn lên cùng với cái cây đó. Cung cấp dinh dưỡng cần thiết để mô hình này có thể khỏe mạnh và phát triển liên tục. Rễ cây là tập hợp từ những rễ con, rễ con có thể mất đi, nhiều thêm, hoặc rẽ nhánh mà không gây trở ngại gì cho chính gốc cây của nó. Quan trọng là nó vẫn luôn gắn liền với phần gốc này và thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả của mình.

 

4. Vẫn còn một yếu tố đặc biệt nữa

Thực tế, tồn tại một yếu tố nằm bên ngoài mô hình kim tự tháp này nhưng bản thân nó vẫn luôn có một tác động rất mạnh mẽ, đó chính là chúng ta – con người.

Con người có thể tác động đến bất cứ lớp nào trong mô hình kim tự tháp chuyển đổi số mà không gây ra sự xáo trộn cấu trúc của nó. Vì từ trước cả khi những khái niệm này xuất hiện, chúng ta đã luôn ở đây, xây dựng và thiết lập nên mọi thứ, và đảm bảo mọi thứ hoạt động một cách trơn tru.

Cũng giống như cái cây ở ví dụ trên. Nó có thể tự sinh trưởng hay là sẽ chết nếu không có sự chăm sóc từ con người? Có lẽ nó sẽ sống, nhưng nó sống đến lúc nào thì chúng ta không thể biết được. Chính sự chăm sóc của con người sẽ luôn giúp cái cây đó phát triển mạnh mẽ và quả của nó cũng sẽ ngọt hơn bao giờ hết.

Chúng ta chính là yếu tố đặc biệt.

Con người là yếu tố đặc biệt

(Con người luôn nắm một vai trò quan trọng trong mô hình của doanh nghiệp)

 

Lời kết

Chuyển đổi số tưởng như một khái niệm dễ hiểu nhưng thực tế lại khó để nắm bắt hơn rất nhiều. Công nghệ thay đổi từng ngày, vậy nên mỗi ngày lại có những khái niệm mới liên quan đến chuyển đổi số được sinh ra nhằm giải quyết một bài toán nào đó.

Kim tự tháp chuyển đổi số là một khái niệm thú vị như vậy. Nó cho ta thấy mối tương quan giữa các yếu tố cốt lõi và các yếu tố nhỏ hơn trong một doanh nghiệp và cách mà chúng tác động đến nhau như thế nào.

Sẽ có những mô hình khác hay hơn, thú vị hơn về công nghệ và chuyển đổi số. Chips sẽ liên tục cập nhật cho các bạn những thông tin hữu ích này.

Nếu các bạn có quan tâm đến chuyển đổi số, Chips sẽ giải đáp các thắc mắc cho bạn. Hãy liên hệ với Chips qua:

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc - Chips.vn